Sáng ngày 04/7/2020, tại Thành phố Cần Thơ đã long trọng diễn ra Hội nghị Sơ kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm. Hội nghị đã cho thấy những kết quả khả quan đạt được trong liên kết phát triển du lịch vùng, đồng thời, cũng đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong nửa cuối năm 2020 để thúc đẩy ngành du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020 – 2025 đã được ký kết vào ngày 14/12/2019 nhằm tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương và phát huy thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch của vùng và thương hiệu du lịch vùng. Qua đó, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch các địa phương trong liên kết cũng như sức hấp dẫn của du lịch vùng với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là lần đầu tiên liên kết du lịch vùng được chính quyền các địa phương ký kết thoả thuận hợp tác, chỉ đạo sâu sát, giúp các doanh nghiệp du lịch dễ dàng hơn trong kết nối và tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các hoạt động liên kết.

Toàn cảnh buổi Hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy ngành du lịch chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo các tỉnh thành và hoạt động nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch/Sở Du lịch, các tỉnh thành trong liên kết đã tổ chức thực hiện các nội dung được ký kết tại thỏa thuận chung của vùng; trong đó tập trung cho các vấn đề về xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh thành, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các nội dung của thỏa thuận, xây dựng sản phẩm du lịch vùng, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đã đạt được một số kết quả khả quan.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

Cụ thể, Tổ chức Hội nghị kết nối chương trình kích cầu du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2019 nhằm đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong 6 tháng cuối năm 2020 với 3 chương trình du lịch (Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình). Các doanh nghiệp lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng 52 chương trình du lịch kích cầu từ TP.HCM đến ĐBSCL. Toàn bộ các chương trình này đều được chào bán và đăng công khai rộng rãi trên website kích cầu du lịch của TP.HCM tại địa chỉ www.kichcaudulichtphcm.vn.

Trong tháng 5 và tháng 6/2020, 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã khai thác thành công các chương trình tour mới với 50.000 du khách từ TP.HCM đến ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. Liên kết cũng giúp thu hút được du khách từ miền Bắc và Trung vào với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long trong hai tháng không chịu tác động của dịch đạt 12,9 triệu lượt, tăng khoản 14% (so với 2 tháng cùng kỳ), trong đó số lượng khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Đông ĐBSCL đạt 436.890 lượt, số lượt khách du lịch nội địa đạt 2,7 triệu lượt. Số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Tây ĐBSCL đạt 289.814 lượt, số lượng khách du lịch nội địa là 9,6 triệu lượt.

Phối hợp tổ chức khoá bồi dưỡng cho 80 đại diện doanh nghiệp, cán bộ quản lý Nhà nước của 14 địa phương về phát triển sản phẩm du lịch địa phương, quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch của 13 tỉnh, thành được tăng cường trên các kênh thông tin trực tuyến bao gồm cổng thông tin điện tử của các Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch/Sở Du lịch 14 tỉnh thành, trên các fanpage của Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (tiếng Việt và tiếng Anh) và trên Tạp chí Du lịch của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Các Sở, ngành cùng chia sẻ thông tin, giúp nhau chống dịch hiệu quả.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và tập trung cho các biện pháp chống dịch; bằng sự quyết tâm và đồng lòng, nỗ lực vượt bậc và phối hợp chặt chẽ, các tỉnh thành trong vùng cũng đã đạt được các kết quả nhất định trong 6 tháng đầu năm 2020. Trên cơ sở các kết quả đạt được và dự báo tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam và thế giới, về kết quả và quyết tâm chống dịch trên toàn cầu; nhằm đẩy mạnh thực hiện các nội dung của thỏa thuận liên kết vùng, Hội nghị đã đưa ra những bàn luận và thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Cụ thể, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và Tọa đàm góp ý hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành.

Tổ chức Hội nghị giới thiệu quảng bá du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong khuôn khuổn Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, dự kiến từ 16 – 19/7/2020. Song song đó, xây dựng gian hàng chung quảng bá giới thiệu du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.

Phối hợp xây dựng phim quảng bá du lịch chung TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết phát triển du lịch vùng và triển khai chiến dịch lan toả phim quảng bá chính thức về du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.

Phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 5 tỉnh Đông Nam Bộ.

Phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ quảng bá các sản phẩm du lịch vùng trong chương trình “Ấn tượng Việt Nam” do Báo Tuổi trẻ tổ chức để tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch vùng đến du khách trong nước.

Nhìn chung, xuyên suốt Hội nghị, các đại biểu tham dự cùng nhìn nhận ĐBSCL là vùng rất có tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên, cũng cần chú ý bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch bền vững.

Thời gian qua, ĐBSCL không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch mà còn chịu tác động lớn của việc khô hạn, dẫn đến giảm sâu về số lượng và doanh thu từ hoạt động du lịch. Do đó, theo ông Nguyễn Thành Phong – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: “Cần quyết liệt triển khai thực hiện các nội dung chưa thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm làm cho thị trường du lịch sôi động trở lại với các giải pháp chính: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng; xây dựng thương hiệu du lịch vùng, đến quý IV/2020 bắt đầu truyền thông cho thương hiệu; chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế và có kế hoạch quảng bá đến các thị trường cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh; tăng cường hoạt động hỗ trợ của chính quyền đối với doanh nghiệp đầu tư vào vùng, tránh hình thức và thiếu sự đồng bộ trong liên kết; các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tàu cần tăng cường nâng chất sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và hoạt động quảng bá nhằm tăng độ dài lưu trú và chi tiêu của khách du lịch; vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo an toàn cho du khách và phòng chống dịch bệnh. TP.HCM xác định là đối tác phát triển của vùng ĐBSCL và sẵn sàng dành các nguồn lực để tổ chức thực hiện các nội dung của thỏa thuận liên kết với vùng ĐBSCL.”

Chủ tịch UBND TP.HCM – Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL là liên kết quan trọng vì ĐBSCL có vai trò quan trọng trong du lịch Việt Nam với tiềm năng đa dạng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch của nơi này lại là một điểm nghẽn của sự phát triển du lịch. ĐBSCL cần phải tập trung khắc phục thật nhanh để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, đặc biệt là khi liên kết với TP.HCM đã phát huy hiệu quả.”

Ông Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: “Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung khắc phục thật nhanh vấn đề nguồn nhân lực du lịch.”

Theo ông Trần Hùng Việt – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, sản phẩm du lịch ĐBSCL không trùng lặp dù có chung đặc điểm về tự nhiên, đặc biệt là các sản phẩm gắn với văn hóa của địa phương.

Ông Trần Hùng Việt tham quan một gian hàng du lịch tại Hội nghị.

“Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là một liên kết “mạnh về thế, đủ về lực” để phát triển du lịch của vùng” – ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhận định.

Ông Lê Thanh Phong phát biểu tại Hội nghị.

“Để gia tăng tính hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh, mỗi địa phương nên chọn “một cá tính đỉnh cao” của địa phương mình để xây dựng sản phẩm cao cấp làm gia tăng giá trị sản phẩm. Các địa phương cần có chính sách cụ thể chủ động đào tạo nguồn nhân lực lao động để đón đầu nhu cầu phát triển của vùng, đồng thời, tổ chức tốt hơn nữa công tác quảng bá tiếp thị. Phát triển du lịch là để làm giàu cho địa phương chứ không chỉ để xóa đói giảm nghèo” – ông Phan Xuân Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Du ngoạn Việt chia sẻ.

Ông Phan Xuân Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Du ngoạn Việt.

Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch trở thành đòn bẫy kinh tế xã hội của các địa phương, và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùngĐBSCL càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi TP.HCM vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối 2 vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.

Ông Nguyễn Thành Phong trao tặng những bó hoa lưu niệm đến các đại biểu tham dự.

Một số hình ảnh đại biểu tham quan các gian hàng du lịch tại Hội nghị:

 

 

Gian hàng du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị.

 

 

 

Gia Khang

(Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM)

Nguồn bài viết: http://sodulich.hochiminhcity.gov.vn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *